MỤN TRỨNG CÁ - CẦN BIẾT VÀ CẦN TRÁNH

by

MỤN TRỨNG CÁ 

CẦN BIẾT VÀ CẦN TRÁNH

ThS. BS. CK1. Hoàng Phạm Nhật Quang

Phẫu thuật Tạo hình – Thẩm mỹ

 

Bài này được viết với cách tiếp cận nhằm cung cấp những thông tin ở mức độ vừa đủ cho các bệnh nhân - khách hàng đang mắc các vấn đề về mụn có thể tự hiểu về tình trạng mụn của bản thân và có thể tự điều trị các trường hợp mụn thể nhẹ và trung bình - nhẹ. Mọi ý kiến xin đóng góp cho Bs. Quang ở mục comment nhé.

TỔNG QUAN

   Mụn trứng cá là một tình trạng da có sự phát triển các mụn có nhân. Theo nghiên cứu dịch tễ tại Bắc Mỹ, 85% thanh thiếu niên có tình trạng này.

   Điều trị mụn cần thiết nhằm điều trị khỏi các mụn trứng cá sẵn có và ngăn ngừa mụn mới xuất hiện. Các mỹ phẩm điều trị còn giúp giảm nguy cơ sẹo mụn và thay đổi sắc tố da.

MỤN TRỨNG CÁ XUẤT HIỆN NHƯ THẾ NÀO

   Về cơ bản, có 4 quá trình diễn ra trong sang thương mụn


1) Nang lông bị bịt kín bởi quá nhiều tế bào da chết dư thừa. Các tế bào này kết hợp với chất bã (là một chất tính dầu giúp làm trơn da, tóc) tạo nút bịt kín nang lông.

2) Tuyến bã nhờn dãn rộng và tăng tiết chất bã trong lúc dậy thì. Đa phần tuyến bã nhờn tập trung ở mặt, cổ, ngực, lưng trên và cánh tay.

3) Tuyến bã nhờn hoạt động mạnh khiến vi khuẩn mụn Cutibacterium acnes phát triển quá mức

4) Quá trình viêm diễn ra do sự phát triển quá mức của Cutibacterium acnes và một số yếu tố khác. Điều này dẫn đến hiện tượng vỡ nang lông và hình thành mụn viêm.

NGUYÊN NHÂN GÂY MỤN VÀ LÀM MỤN TRỨNG CÁ NẶNG HƠN

Thay đổi nội tiết tố

   Nội tiết tố thay đổi trong quá trình dậy thì khiến các tuyến bã nhờn dãn rộng, tăng hoạt động tiết bã nhờn. Ở hầu hết những trường hợp bị mụn, chỉ số hormone thường ở mức trung bình, nhưng các tuyến bã nhờn lại trở nên nhạy cảm hơn với hormone.

   Ở một số trường hợp hiếm hơn, lượng hormone ở phụ nữ bị ảnh hưởng bởi Hội chứng buồng trứng đa nang.

   Mụn trứng cá thường có xu hướng thoái lui khi đến tuổi 30 – 40, dù mụn đó bắt đầu xuất hiện hay đã tồn tại đến tuổi trưởng thành. Mụn tuổi dậy thì thường gặp nhiều ở nam giới, trong khi đó, mụn tuổi trưởng thành lại thường xảy ra nhiều ở nữ giới hơn. Các cơn bùng phát mụn trứng cá có thể xuất hiện trước kì kinh của phụ nữ, đặc biệt là sau tuổi 30.

Các yếu tố ngoại lai

   Mỹ phẩm gốc dầu có thể góp phần vào tiến trình gây mụn. Dầu và các loại thuốc mỡ trong sản phẩm chăm sóc tóc có thể làm nặng thêm các sang thương da. Nên chuyển sang sử dụng các sản phẩm gốc nước, hoặc có tính không tạo nhân mụn – “noncomedogenic” – để tránh làm nặng thêm sang thương mụn.

   Khách hàng có da mụn thường có xu hướng dùng nhiều sản phẩm rửa mặt và chất làm se. Các sản phẩm này giúp lấy chất bã khỏi bề mặt da, tuy nhiên lại không giảm được hiện tượng sản xuất bã nhờn. Sử dụng thường xuyên các sản phẩm này hoặc chà xát mạnh lên da lại làm tình trạng mụn nặng nề hơn.

Chế độ ăn

   Vai trò của chế độ ăn uống trong sự hình thành mụn trứng cá vẫn còn nhiều tranh cãi. Hiện tại, không có đủ bằng chứng kết luận sữa, thức ăn nhiều chất béo, hay chocolate khiến mụn nhiều hơn. Một số nghiên cứu ghi nhận có sự liên hệ giữa sữa bò và tình trạng mụn nặng thêm, có lẽ vì các thành phần hormone tự nhiên trong sữa bò. 

Stress

   Các stress có thể làm nặng thêm tình trạng mụn. Một số nghiên cứu ở các sinh viên cho thấy, các sang thương mụn nặng lên và xuất hiện nhiều hơn trong những khoảng thời gian có nhiều stress.

ĐIỀU TRỊ MỤN TRỨNG CÁ

   Thường thì với mụn trứng cá, đơn trị liệu không mang lại hiệu quả cao, và các bác sĩ thường khuyến cáo kết hợp các phương pháp điều trị. Một sang thương mụn trứng cá thường mất ít nhất 8 tuần để hồi phục hoàn toàn, vì vậy, một liệu trình điều trị nên kéo dài ít nhất 2 – 3 tháng trước khi thay đổi liệu trình mới. 

Chăm sóc da

Vệ sinh da mặt

   Rửa mặt không quá hai lần mỗi ngày với nước ấm, sử dụng sản phẩm rửa mặt nhẹ dịu không có xà phòng (vd Cetaphil, Dove bar). Hạn chế sử dụng khăn để chà xát, đặc biệt là xơ mướp. Thay vào đó chỉ sử dụng tay để massage nhẹ. Rửa mạnh hoặc chà xát nhiều làm nặng thêm tình trạng mụn và tổn thương bề mặt da.

   Hạn chế nặn, bóp các mụn viêm vì sẽ làm mụn nặng hơn, gây phù nề da quanh mụn và tạo sẹo. Thao tác nặn không sạch sẽ còn khiến mụn bị bội nhiễm các vi khuẩn khác. 

Dưỡng ẩm

   Khi điều trị mụn, một số dược mỹ phẩm sẽ làm da bị khô, bong vảy nhiều. Sử dụng dưỡng ẩm giúp làm dịu đi tình trạng này. Nên sử dụng các sản phẩm dưỡng ẩm có các thành phần không tạo nhân mụn – noncomedogenic – để tránh làm bít tắc lỗ chân lông.

Chống nắng

   Khi điều trị mụn, một số thành phần thuốc cũng khiến da dễ bắt nắng hơn (ví dụ retinoids, doxycycline). Để hạn chế các tổn thương da do ánh nắng, tránh sạm màu da, cần tránh phơi nắng quá mức, đồng thời sử dụng các kem chống nắng có SPF ít nhất là 30, phổ rộng để chống được cả tia UVA và UVB trong ánh nắng.

Việc tự điều trị mụn

   Nếu chỉ bị mụn trứng cá mức độ nhẹ đến trung bình nhẹ, khách hàng có thể bắt đầu các liệu trình điều trị với các sản phẩm không cần kê đơn. Các sản phẩm này có thể là Salicylic acid, Benzoyl peroxide, Sulfur, AHA, Adapalene, tràm trà. Các sản phẩm này đều có bày bán sẵn với các nồng độ không cần kê đơn. Kết hợp các sản phẩm trong một liệu trình điều trị có thể hiệu quả hơn là đơn trị liệu. Trong một số trường hợp hiếm, khách hàng có thể sẽ có hiện tượng dị ứng với một số thành phần, vì thế trong vài ba ngày đầu, nên thử trên một vùng da nhỏ trước.

   Nếu tình trạng mụn không cải thiện sau ba tháng tự điều trị với các sản phẩm không kê đơn, hoặc tình trạng mụn nặng đến rất nặng, khách hàng nên đến bác sĩ để được tư vấn liệu trình phù hợp với làn da.

Mụn không viêm

   Mụn không viêm là tình trạng mụn đầu trắng hoặc mụn đầu đen mà không có sưng đỏ vùng da xung quanh

Retinoids

   Các sản phẩm kem bôi có chứa retinoids thường xuyên được chỉ định cho các mụn trứng cá không viêm. Trên thị trường, các thuốc này thường sẽ có chứa tretinoin (Retin-A) và terazotene (Tazorac) là các sản phẩm cần kê đơn, và adapalene (Differin) thì không cần kê đơn.

   Retinoids thường được sử dụng 1 lần/ngày. Một số khách hàng nếu có tình trạng kích ứng da thì nên dãn khoảng cách sử dụng, 2 – 3 lần/ngày cho đến khi da thích nghi hơn. Hầu hết mọi người sẽ thích nghi dần với retinoids.

   Hầu như các sản phẩm có retinoids được sử dụng ở dạng gel hoặc kem. Khách hàng có da dầu thường chuộng dạng gel hơn vì giảm tiết nhờn. Khách hàng có da khô thì chuộng dạng kem hơn vì có thêm khả năng dưỡng ẩm.

   Retinoids có thể gây kích ứng da. Khi sử dụng retinoids thoa, nên dùng kèm kem chống nắng có SPF ít nhất 30 trước khi ra nắng.

Các sản phẩm trị mụn khác

   Với làn da quá kích ứng với retinoids có thể sử dụng một số loại thuốc bôi khác, như salicylic acid, glycolic acid, hoặc azelaic acid. Các trị liệu này đều giúp giảm mụn viêm, và azelaic acid đồng thời có thể giảm hiện tượng thâm da sau mụn.

Mụn viêm mức độ nhẹ đến trung bình

   Mụn mức độ nhẹ đến trung bình có kèm tình trạng viêm thường sẽ được chỉ định điều trị với retinoids bôi, kháng sinh bôi, hoặc benzoyl peroxide.

   Kết hợp các sản phẩm trị liệu giúp mang lại hiệu quả điều trị cao hơn so với đơn trị liệu. Thường sử dụng nhất vẫn là benzoyl peroxide kèm với kháng sinh bôi hoặc retinoids bôi.

   Benzoyl peroxide thường được sử dụng hai lần/ngày. Nếu kết hợp với retinoids thì benzoyl peroxide được sử dụng vào buổi sáng, và retinoids thoa vào buổi tối. Tác dụng phụ của benzoyl peroxide là kích ứng da, đôi khi gây đỏ da, bong vảy, gây mất màu quần áo, lông tóc.

Kháng sinh bôi

   Kháng sinh bôi (dạng kem hay dung dịch) kiểm soát sự phát triển của vi khuẩn mụn và giảm viêm. Có thể sử dụng azithromycin, doxycycline, erythromycin, hoặc dapsone.

Mụn viêm mức độ trung bình đến nặng

   Với các trường hợp mụn viêm trung bình đến nặng, có thể cần chỉ định kháng sinh uống hoặc retinoids dạng uống (tretinoin). Thuốc bôi có thể sử dụng kết hợp với kháng sinh uống.

   Phụ nữ có thể cần phải điều trị với các liệu pháp nội tiết tố (viên uống tránh thai).

Kháng sinh uống

   Cơ chế của kháng sinh uống là làm giảm sự hoạt động của vi khuẩn gây mụn. Tuy nhiên, một số tác dụng phụ có thể gây khó chịu, như rối loạn tiêu hóa, nấm vùng âm đạo.

   Doxycycline và minocycline thường được chỉ định trong trường hợp này. Tuy nhiên, không sử dụng cho phụ nữ mang thai hay trẻ em dưới 9 tuổi.

Isotretinoin uống

   Isotretinoin viên uống có chứa hoạt chất retinoids, cực kì hiệu quả với các trường hợp mụn trứng cá nặng, hiệu quả ở hầu hết tất cả các khách hàng. Với các trường hợp mụn viêm nặng nề gây biến dạng gương mặt, isotretinoin uống rất có hiệu quả. 

   Thường viên uống isotretinoin được chỉ định 1 – 2 lần/ngày trong 20 tuần, uống sau ăn, rồi ngưng. Ở một số trường hợp, tình trạng mụn trứng cá có thể nặng lên vào thời gian đầu sử dụng, trước khi mụn cải thiện. Để hạn chế tình trạng bùng phát lúc đầu sử dụng, chỉ định liều isotretinoin thấp hơn vào tháng đầu. Sau khi ngừng sử dụng thuốc, tình trạng mụn vẫn sẽ tiếp tục cải thiện trong 4 – 5 tháng tiếp theo. 

Tác dụng phụ và các nguy cơ

   Isotretinoin uống rất có hiệu quả điều trị, nhưng cũng có nhiều tác dụng phụ nguy hiểm và cần sử dụng cẩn trọng. Sử dụng isotretinoin trong thời kỳ mang thai có thể dẫn đến sảy thai hoặc đột biến nguy hiểm cho thai nhi. Vì các lý do này, Hoa Kỳ đưa ra những quy định rất nghiêm ngặt cho nhân viên y tế, dược sĩ, và các khách hàng sử dụng hoặc được chỉ định sử dụng isotretinoin uống. Các quy định này được kiểm soát bởi iPLEDGE program, theo đó:

- Tất cả các phụ nữ phải có hai lần test thai kỳ âm tính trước khi được chỉ định sử dụng isotretinoin, đồng thời phải được thử thai định kỳ hàng tháng trong suốt quá trình sử dụng;

- Các thuốc được chỉ định phải bắt đầu sử dụng trong vòng 7 ngày kể từ khi kê đơn. Nếu quá thời gian đó, bác sĩ cần phải khám và cho chỉ định lại;

- Phụ nữ trong độ tuổi sinh sản cần sử dụng hai loại phương pháp tránh thai, ít nhất 1 tháng trước khi bắt đầu điều trị, và sau khi ngưng sử dụng isotretinoin vẫn phải tiếp tục tránh thai 1 tháng.

   Nhiều tác dụng phụ khác không liên quan đến thai kỳ cũng có thể xảy ra trong quá trình sử dụng isotretinoin:

- Khô da, bong da, nứt hoặc rát môi, ngứa, đau cơ, chảy máu mũi, đau rát mắt khi sử dụng kính sát tròng, hoặc da dễ bắt nắng

- Hiện không có bằng chứng rõ ràng nhưng có ghi nhận một số trường hợp có tương quan giữa isotretinoin và trầm cảm.

- Isotretinoin có thể làm tăng triglyceride máu, tổn thương gan, viêm tụy cấp, bất thường trong công thức máu.

   Một số tác dụng phụ có thể tự cải thiện mà không cần ngưng thuốc, nhưng một số tác dụng phụ rất nguy hiểm cần phải ngưng thuốc ngay lập tức. Đôi khi, bác sĩ sẽ cần phải làm một số xét nghiệm máu để theo dõi nồng độ cholesterol, triglycerides, chức năng gan, công thức máu.

Liệu pháp hormones

   Hormone estrogen có thể giúp cân bằng lại hoạt động của androgen (hormone chính trong việc phát triển mụn). Viên uống tránh thai có chứa estrogen đôi khi được chỉ định cho phụ nữ có mụn trứng cá mức độ trung bình nặng.

   Không phải bất kì thuốc tránh thai nào cũng dùng để điều trị mụn được. Một số thuốc tránh thai uống và một số loại hình tránh thai khác (dụng cụ tử cung, que cấy) có thể làm nặng thêm tình trạng mụn. Tham khảo ý kiến của bác sĩ trước khi sử dụng bất kì liệu pháp hormone nào.

   Spironolactone cũng có thể sử dụng để điều trị mụn ở nữ. Spironolactone giúp giảm hiệu lực của androgen.

   Hiệu quả của thuốc tránh thai và các thuốc hormone khác có thể cần 3 – 6 tháng mới thấy tác dụng rõ. Khách hàng đang mang thai không nên điều trị với các liệu pháp hormone.

Mụn trứng cá trong thai kì

   Rất nhiều thuốc trị mụn không an toàn đối với thai kì. Phụ nữ đang mang thai hoặc chuẩn bị mang thai nên xem xét ngừng tất cả các thuốc điều trị mụn trước khi bắt đầu thai kỳ. Nếu mong muốn trị mụn, nên tham khảo các lựa chọn điều trị với bác sĩ.

Sang thương mụn không viêm
Mụn nhân đóng và mụn nhân mở
(Hay còn gọi là mụn đầu đen, mụn đầu trắng)

Sang thương mụn viêm, mức độ trung bình

Sang thương mụn trứng cá bọc, viêm nặng, 
với tình trạng sẹo sau mụn nặng nề.


TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Amichai, B., A. Shemer, and M.H. Grunwald, Low-dose isotretinoin in the treatment of acne vulgaris. J Am Acad Dermatol, 2006. 54(4): p. 644-6.

2. Chiu, A., S.Y. Chon, and A.B. Kimball, The response of skin disease to stress: changes in the severity of acne vulgaris as affected by examination stress. Arch Dermatol, 2003. 139(7): p. 897-900.

3. Haider, A. and J.C. Shaw, Treatment of acne vulgaris. Jama, 2004. 292(6): p. 726-35.

4. Ozolins, M., et al., Comparison of five antimicrobial regimens for treatment of mild to moderate inflammatory facial acne vulgaris in the community: randomised controlled trial. Lancet, 2004. 364(9452): p. 2188-95.

5. Shalita, A.R., et al., Tazarotene gel is safe and effective in the treatment of acne vulgaris: a multicenter, double-blind, vehicle-controlled study. Cutis, 1999. 63(6): p. 349-54.