MỤN TRỨNG CÁ - TỪ CƠ CHẾ BỆNH SINH ĐẾN HOẠT CHẤT ĐIỀU TRỊ - PHẦN 1

by

10.1007/s00403-019-01908-x
MỤN TRỨNG CÁ
TỪ CƠ CHẾ BỆNH SINH ĐẾN HOẠT CHẤT ĐIỀU TRỊ
PHẦN 1
ThS. BS. CK1. Hoàng Phạm Nhật Quang
Phẫu thuật tạo hình – Thẩm mỹ
Đây là một bài khá chuyên sâu, có lẽ phù hợp với các nhân viên y tế hơn, hoặc các bạn thực sự rất quan tâm đến vấn đề mụn trứng cá. Nhắc đến cơ chế bệnh sinh, hẳn là bất kì bác sĩ y khoa nào nghe đến cũng đều ngán vì nội dung hầu như sẽ đi rất sâu, đến mức độ tế bào và phân tử, những tương tác giữa ligand và thụ thể tương ứng, cùng những con đường hoạt hóa, chuyển hóa với một loạt các hoạt chất lùng bùng lỗ tai. Có thể không hiểu được hết, nhưng chúng ta cũng nên nắm một vài thông tin cơ bản, để hiểu các hoạt chất điều trị hiện nay tác động thế nào đến các cơ chế bệnh sinh khác nhau của mụn trứng cá, giai đoạn nào của mụn thì nên dùng hoạt chất nào để điều trị mang lại hiệu quả tốt nhất, và đặc biệt là hiểu được các tác dụng phụ có thể gặp và cách kiểm soát các tác dụng phụ đó.
LƯỢC QUA CÁC NGHIÊN CỨU HIỆN NAY
Mụn trứng cá là bệnh lý thường gặp, với các tổn thương trên da. Có đến 85% tuổi dậy thì bị tình trạng này và kéo dài đến tuổi trưởng thành.
Nhiều yếu tố môi trường khiến mụn thường gặp hơn gồm có chế độ dinh dưỡng, các thuốc đang dùng, yếu tố công việc, chất ô nhiễm, môi trường sống, yếu tố kinh tế xã hội. Các yếu tố này ảnh hưởng đến hàng rào bảo vệ da và hệ vi sinh vật, gây tăng tiết bã nhờn, tăng sừng hóa cổ nang lông, mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da, và tình trạng viêm, khu trú tại đơn vị nang lông bã nhờn.
Trong số các yếu tố môi trường gây mụn, nhiều nghiên cứu cho thấy chế độ ăn nhiều chất đường bột có chỉ số đường cao, và sử dụng nhiều sữa là những yếu tố quan trọng, làm tăng chuỗi tín hiệu IGF-1| PI3k | Akt | mTOR C1. Tuy nhiên, chỉ các yếu tố môi trường này thì không thể gây ra mụn, vì ở các vùng da dễ bị mụn ghi nhận tuyến bã nhờn lớn hơn với nhiều thùy hơn so với vùng da bình thường.
đường, sữa, tinh bột, mụn
Chế độ ăn nhiều chất đường bột với chỉ số đường cao
không chỉ làm tăng nguy cơ bị mụn mà còn
tăng nguy cơ béo phì và các bệnh mạn tính khác.
Melnik, B.C., John, S.M., & Plewig, G. (2013). Acne: risk indicator for increased body mass index and insulin resistance. Acta dermato-venereologica, 93 6, 644-9 .
Mụn phát triển chủ yếu do tăng tiết chất bã, đồng thời kèm tăng sừng hóa và giảm bong các vảy sừng ở vùng lỗ chân lông. Chất bã và tế bào sừng bị tích tụ tạo nút chặn bịt kín lỗ chân lông. Đây chính là các nhân mụn.
Trước đây, nhiều tác giả cho rằng sự phát triển của Cutibacterium acnes gây kích thích các đáp ứng miễn dịch của tế bào tuyến bã, tế bào sừng, và đơn bào. Tuy nhiên các nghiên cứu hiện nay lại cho thấy, chính sự mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da với ưu thế là C. acnes cùng với sự kích hoạt miễn dịch tự nhiên mới đồng thời dẫn đến đáp ứng viêm mạn tính của mụn trứng cá. Sự tham gia của IGF-1 làm tăng thêm tình trạng viêm này.
hệ vi sinh vật, da, vi khuẩn mụn
Hệ vi sinh vật thường trú trên da ở A) tình trạng da bình thường;
B) tình trạng viêm nhiễm làm tổn thương hàng rào bảo vệ da;
C) mất cân bằng hệ vi sinh vật trên da và chàm thể tạng.
Propionibacterium spp là dòng vi khuẩn có chứa P. acnes
đóng vai trò quan trọng trong hình thành mụn trứng cá.
Park YJ and Lee HK (2018) The Role of Skin and Orogenital Microbiota
in Protective Immunity and Chronic Immune-Mediated Inflammatory Disease. 
Front. Immunol. 8:1955. doi: 10.3389/fimmu.2017.01955
Bài viết này sẽ đề cập đến các cơ chế chính liên quan đến 4 quá trình xảy ra trong mụn trứng cá: 1) tăng tiết bã nhờn, 2) tăng sừng hóa, 3) sự phát triển của Cutibacterium acnes và 4) phản ứng viêm tại đơn vị nang lông bã nhờn. Thông qua đó, chúng ta cùng đánh giá các hoạt chất điều trị phù hợp với các cơ chế gây mụn trứng cá.